Diện tích chè trung du chiếm khoảng 50% tổng diện tích chè của thành phố Thái Nguyên, giống chè này đang giảm dần về diện tích và chất lượng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo giúp cho năng suất chè tăng lên từ 20 - 25%; như vậy mỗi ha chè Trung du được cải tạo người dân thu lãi gần 700 triệu đồng.
Chè trung du là một thứ đặc sản quý của vùng chè Thái Nguyên. Giống Trung du có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu hạn chịu rét khá tốt, có tính thích ứng cao và khá rộng với các vùng chè, có khả năng sinh trưởng mạnh, thân cây to, tán chè rộng, độ che phủ lớn vì vậy có thể chống xói mòn và rửa trôi, góp phần vào việc bảo vệ môi trường sinh thái. Chè Trung du phù hợp với sản xuất chè Đông mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Giải pháp cho nương chè già cỗi
Giống chè Trung du đang bị giảm dần về diện tích và chất lượng. Nguyên nhân là do giống chè Trung du được trồng bằng hạt từ lâu năm, đang ở cuối chu kỳ khai thác (đã được trồng cách đây từ 25-50 năm) và do một số hộ trồng chè áp dụng các biện pháp chăm sóc như thu hái, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại...chưa thực sự phù hợp, dẫn tới giống chè Trung du đang ngày một thoái hóa, cho năng suất, chất lượng thấp.
Nhằm xây dựng thành công mô hình cải tạo chè Trung du năng suất thấp thành vườn chè trung du cho thu nhập cao, để từ đó nhân mô hình ra diện rộng. Từ tháng 2-2015 Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Dự án Khoa học“Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống Trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”. Dự án được thực hiện tại 23 hộ dân các xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu; với tổng quy mô 6 ha.
Các hộ tham gia mô hình đều là những hộ có vườn chè giống Trung du trồng bằng hạt (đã trồng được từ 25-50 năm), chủ động tưới tiêu, thuận tiện đi lại, có khả năng đối ứng và ham thích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Mô hình được tiến hành đồng thời các giải pháp chính như sử dụng các biện pháp đốn hái chè phù hợp với vườn cải tạo, hướng dẫn trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè, trồng dặm giúp vườn chè đảm bảo mật độ không bị mất khoảng và cuối cùng là sử dụng các loại phân bón phù hợp với việc cải tạo vườn chè theo hướng tăng năng suất và sản lượng như bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách phân đạm, lân, kaly, bổ sung các loại phân bón qua lá...
Bón phân bằng phương pháp rạch hàng giữa các luống chè hoặc cuốc hố sâu từ 6-8 cm. Trộn đều các loại phân để bón, sau đó lấp kín đất nên cây chè sử dụng phân một cách tối ưu hơn, hạn chế được tình trạng bốc hơi, rửa trôi của phân...

Mô hình cải tạo nương chè giống Trung du tại xã Tân Cương T.P Thái Nguyên
Tăng năng suất, thêm thu nhập cho người dân
Ngày 6/6/2017, Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”. Kết quả, sau hơn 2 năm cải tạo, trẻ hóa cây chè tại mô hình cho thấy do được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nương chè cải tạo có mật độ búp dày hơn, khối lượng búp lớn hơn nên năng suất đạt được cao hơn hẳn so với nương chè không được cải tạo. Diện tích chè Trung du được thâm canh cải tạo cho năng suất thực thu mỗi năm trung bình đạt 595 kg búp tươi/sào (119 kg chè búp khô), tương đương với 16,5 tấn búp tươi/ha/năm. Trong khi đó nương chè không được cải tạo chỉ đạt 476 kg búp tươi/sào, thấp hơn so với diện tích chè được cải tạo 119 kg búp tươi/sào.
Ngoài ra, chè ở nương chè cải tạo, về ngoại hình, màu nước pha, mùi hương và vị đều tốt hơn rất nhiều so với nương chè chưa cải tạo, chè đạt tiêu chuẩn xếp loại tốt. Nương chè chưa cải tạo, chè thành phẩm chỉ đạt ở mức độ khá.
Về hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh cải tạo cao hơn hẳn so với diện tích đại trà, sau khi trừ khi phí, mỗi ha chè Trung du cải tạo thu lãi gần 700 triệu đồng, còn chè Trung du sản xuất đại trà thu lãi gần 500 triệu đồng; mô hình cải tạo lãi chênh hơn so với sản xuất đại trà hơn 200 triệu đồng/ha.
Như vậy áp dụng khoa học kỹ thuật cải tạo nương chè Trung du năng suất thấp cho thấy, 01 ha chè Trung du sau khi được đầu tư cải tạo năng suất chè tăng lên từ 20 - 25%, giá trị ( giá bán) chè tăng 10-20%. Từ đó tổng giá trị thu được cao hơn nhiều so với nương chè không được đầu tư cải tạo. Kết quả của dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dương Trung Kiên - TTKN
Số lượt đọc:
530
-
Cập nhật lần cuối:
27/11/2017 06:12:39 PM