Ngày 16.8.2019, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH Bayer Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo quốc tế “Sâu keo mùa thu và giải pháp quản lý bền vững”.
Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là sâu hại ngoại lai xâm lấn đối với Việt Nam và gây hại nặng nề trên cây ngô; sâu keo mùa thu chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay đã bùng phát số lượng lớn ở nhiều vùng trồng ngô tập trung ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Là loại côn trùng đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng thuộc nhiều họ thực vật khác nhau, sâu ưa thích nhất cây ngô (nhất là cây ngô ngọt), ngô nếp và ngô rau…
Theo số liệu từ Cục Bảo vệ Thực vật, tính đến đầu tháng 8 năm 2019 đã có hơn 18.000 ha ngô trên toàn quốc đã bị sâu keo mùa thu xâm hại. Công tác phòng trừ hết sức khó khăn và tốn kém.
Trước tình hình dịch hại nguy hiểm xâm nhập, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng chống, quản lý sâu keo mùa thu tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị
Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) khuyến cáo các biện pháp phòng chống sâu keo mùa thu như sau:
Biện pháp canh tác: Gieo trồng tập trung, gọn vụ, không rải vụ; làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô; làm đất kỹ, phơi khô đất để diệt sâu non, nhộng trong đất và giúp thiên địch dễ tìm diệt sâu trước khi gieo trồng; luân canh cây ngô – lúa nước.
Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 2 - 5 lá, ngắt ổ trứng, bắt sâu non vào sáng sớm hoặc chiều tối khi mật độ sâu thấp; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt sâu non.
Biện pháp sử dụng các giống kháng sâu: Sử dụng các giống ngô chuyển gen kháng sâu non bộ cánh vảy; lựa chọn sử dụng các giống ngô ít bị sâu gây hại.
Biện pháp sinh học: Sử dụng các chế phẩm nấm xanh, vi khuẩn Bt, Vi-rus NPV phun từ khi sâu tuổi nhỏ; cải thiện hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát huy vai trò kiểm soát số lượng quần thể của sâu.
Biện pháp sử dụng các loại bẫy bả: Bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone, bẫy ánh sáng, bẫy dính màu vàng; bẫy cây trồng (trồng sớm 1 diện tích ngô ngọt để hấp dẫn sâu, sử dụng bẫy bả chua ngọt diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng, diệt sâu non trên diện tích bẫy cây trồng…).
Biện pháp hóa học: Sử dụng khi đa số sâu non tuổi 1 – 3 (giai đoạn ngô 2 - 5 lá); phun nhắc lại sau phun lần 1 từ 5 – 7 ngày. Sử dụng các hoạt chất như Bacilus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacorb, Lufenuron, Abamectin, Emamectin, Nereistoxin, Cartap, Azadirachin. Phun vào chiều mát, sử dụng vòi chụp vặn vào đầu bép, phun có điểm dừng (phun chụp vào nõn cây ngô)…
Tại Hội thảo tập Công ty TNHH Bayer Việt Nam giới thiệu các giải pháp có thể áp dụng như: Biện pháp canh tác, phòng trừ sinh học và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng thuốc trừ sâu, cây trồng công nghệ sinh học.
Công ty TNHH Bayer Việt Nam giới thiệu hai sản phẩm giống ngô kháng sâu DK 6919S và DK 9955S với sự có mặt của 2 protein Bt kháng sâu (cụ thể là sâu keo mùa thu). Trước đó các đại biểu đã đến thăm mô hình tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho thấy, hai sản phẩm giống ngô kháng sâu DK 6919S và DK 9955S giúp tiết kiệm chi phí nhân công, không phải phun thuốc trừ sâu và cho thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/ha so với giống ngô lai thông thường…
Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Pakistan, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Philippines… Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch hại này./.
Vũ Thị Thu Hương - TTKN
Số lượt đọc:
328
-
Cập nhật lần cuối:
20/08/2019 11:01:26 AM