Ngày 4/11/2019, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Mô hình Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (2017 – 2019).Mô hình thuộc dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chủ trì; thực hiện Dự án, Trung tâm Khuyến nông ký Hợp đồng liên kết xây dựng mô hình với Hợp tác xã chè Thịnh An triển khai tại các xóm Tân Tiến, Tân Lập, Liên Cơ, xóm 4, xóm 7, xóm 9 và xóm 12 (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ). Quy mô của mô hình là 50 ha, 150 hộ nông dân tham gia.
Sau 3 năm thực hiện, người dân tham gia mô hình đã tuân thủ quy trình kỹ thuật của mô hình, như sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh theo quy trình. Chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng và ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc phun trừ khi đến ngưỡng phòng trừ và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch chè,.. Các hoạt hoạt động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch,.. diễn ra trên nương chè đều được ghi chép lại trong sổ nhật ký để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết...
Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại thị trấn Sông Cầu
Gắn với mô hình của dự án là các hộ trực tiếp tham gia xây dựng mô hình thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn bộ 50 ha của các hộ tham gia dự án đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Do được đầu tư thâm canh, bón phân cân đối, tưới nước hợp lý... nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Kết quả sau 3 năm thực hiện, năng suất chè bình quân trong mô hình tăng từ 8,6 tấn lên 11,4 tấn/ha/năm, tăng 33 % so với trước khi thực hiện mô hình và tăng 12,6 - 17,6% so với mục tiêu của dự án (mục tiêu của mô hình năng suất tăng từ 15- 20%).
Về hiệu quả kinh tế, nếu bán chè tươi, trung bình mỗi 01 ha (sau khi đã trừ các khoản chi phí và không tính công lao động) người làm chè thu được 277 triệu đồng, cao hơn trước khi thực hiện mô hình 134 triệu đồng (tăng 94% so với trước khi thực hiện mô hình và hơn 74% so với mục tiêu của dự án đến năm 2019); nếu chế biến sang chè khô để liên kết tiêu thụ thì hiệu quả còn cao hơn nhiều so với bán chè búp tươi.
Mô hình đã xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với các tổ liên kết và Hợp tác xã trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè… nên giá bán chè búp tươi, chè khô, thường xuyên ổn định, tạo điều kiện cho các hộ yên tâm sản xuất.
Hợp tác xã chè Thịnh An đã chủ động phối hợp, liên kết với các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong nước,.. Xây dựng trên 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm chè an toàn tại các tỉnh. Liên kết tiêu thụ được trên 50% sản lượng chè cho các hộ, trong đó (trực tiếp tiêu thụ khoảng 35% và giới thiệu cho các hộ tiêu thụ trên 15%); bước đầu cũng đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia và tiếp tục tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thành công của Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” góp phần thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ sản xuất thông thường sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa; mang lại năng suất, chất lượng, giá trị cao hơn; đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật làm chè của các vùng chè trọng điểm. Nâng cao nhận thức và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho các hộ nông dân trong sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường nông thôn; kiểm soát được hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và áp dụng các biện pháp chống xói mòn, nâng cao độ phì của đất./.
Dương Trung Kiên - TTKN
Số lượt đọc:
248
-
Cập nhật lần cuối:
06/11/2019 02:07:39 PM