VIEPortal.org
Đang tải dữ liệu...

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị

Trong 02 ngày 19 và 20/4/2018, tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Thế tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị”.
Tham dự có đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Chăn nuôi; lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Giang, UBND huyện Yên Thế; Trung tâm Khuyến nông, hộ chăn nuôi gà các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ và một số doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...
Đại biểu tham quan mô hình nuôi gà vườn đồi đạt hiệu quả tại xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế.


Diễn đàn nhằm nhằm tuyên truyền chủ trương chính sách về chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gia cầm; giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi dưỡng chăm sóc gà thả vườn đồi, giới thiệu một số mô hình nuôi gà vườn đồi hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh miền núi phía bắc; đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả giải pháp giải quyết khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi gà vườn, đồi.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà với quy mô 1.009.340 con, với 9.297 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 6.816 lượt người trong và ngoài mô hình, tổ chức cho 2.510 người tham quan nhân rộng mô hình.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 tổng đàn gà cả nước có trên 295 triệu con tăng 6,5% so với năm 2016. Chăn nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ đang dần được thay thế bằng chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô lớn. Trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi gà đã được nâng lên rõ rệt, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi đã tăng đáng kể. Trong các năm từ năm 2011 đến 2017, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, đã tăng đáng kể hiệu quả chăn nuôi đại trà và từ đó nhân rộng mô hình vào sản xuất.
Theo cục Chăn nuôi, mục tiêu tăng trưởng về số lượng đàn gia cầm hợp lý từ 3 – 4 %/năm; phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn gia cầm đạt 390 – 400 triệu con; tổng sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn thịt xẻ, sản lượng trứng sản xuất 12 – 14 tỷ quả…


Toàn cảnh Diễn đàn

Tỉnh Bắc Giang là 01 trong 10 tỉnh, thành có đàn vật nuôi lớn nhất cả nước; năm 2017 đàn gà có trên 15 triệu con, tập trung tại các huyện Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn… Riêng huyện Yên Thế tổng đàn gia cầm năm 2017 đạt 4,6 triệu con (trong đó đàn gà là 3,74 triệu con). Theo ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang), hàng năm huyện xuất bán ra thị trường từ 12 – 14 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất đạt trên 1.250 tỷ đồng; (riêng dịp tết Nguyên đán 2018 sản phẩm gà đồi cung cấp cho thị trường đạt từ 2,0 – 2,5 triệu con, trong đó cao điểm trong thời gian từ 05/2 (20/12 Âm lịch) đến 15/02 (ngày 30 Tết) tiêu thụ 1,2 triệu con, với trọng lượng bình quân 2,0 - 2,5 kg/con; giá bán bình quân 65.000 đ/kg. Số lượng hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện quy mô từ 500 - dưới 1.000 con trên 2.000 hộ; quy mô từ 1.000 - 2.000 con là trên 700 hộ; quy mô trên 2.000 con có trên 230 hộ; cá biệt đã có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm.
Trong thời gian tới huyện Yên Thế tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi không ngừng nâng cao chất lượng gà đồi thương phẩm. Duy trì quy mô tổng đàn gia cầm ổn định ở mức 4,5 triệu con trở lên, trong đó đàn gà ổn định từ 4 – 4,3 triệu con; mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11 – 13 triệu con gà thương phẩm, giá trị sản xuất từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng. Đồng thời quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm; lập thị trường tiêu thụ gà đồi ổn định, nhất là đối với thị trường thành phố Hà Nội nhằm giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy chăn nuôi gà đồi phát triển bền vững.


Trước đó các đại biểu đã tham quan các mô hình chăn nuôi gà đồi tại thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp với người chăn nuôi.
Tại Diễn đàn Ban cố vấn đã nhận và trả lời trên 70 câu hỏi của các đại biểu và người chăn nuôi về chính sách, quy hoạch chăn nuôi, công tác giống, dịch bệnh, vác xin, thú y, chuồng trại, chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại.
Kết luận buổi diễn đàn bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu ra một số giải pháp: Hoàn thiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi phù hợp với định hướng chung của ngành và lợi thế so sánh của địa phương. Thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống từ cơ sở giống có chất lượng, được cấp phép cơ sở sản xuất giống; tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, sử dụng các công thức phối chộn thức ăn để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tiết kiệm chi phí; áp dụng phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Giải pháp về thú y thực hiện quy trình vác xin đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thú y, thực hiện giám sát dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Giải pháp tăng cường đào tạo kỹ thuật cho người chăn nuôi cũng như những cán bộ khuyến nông các cấp. Giải pháp vô cùng quan trọng trong chăn nuôi là tổ chức sản xuất, khuyến cáo liên kết sản xuất, các hộ chăn nuôi liên kết với nhau thành tổ, nhóm và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết từ chăn nuôi cho đến vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm). Tăng cường thông tin tuyên truyền, xây dựng thương hiệu hàng hóa, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi./.


Dương Trung Kiên - TTKN


Số lượt đọc:  1155  -  Cập nhật lần cuối:  24/04/2018 11:39:21 AM
Liên kết
Sở NN&PTNT Thái Nguyên
UBND Thái Nguyên
Trung tâm KN QG
Số lượt truy cập: 783.848