Nhằm lựa chọn được các giống lúa có năng suất, chất lượng bổ sung vào cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, thay thế dần các giống đang thoái hóa trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Vụ xuân năm 2019, Trạm Khuyến nông (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp) thành phố phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương… triển khai mô hình “Sản xuất giống lúa mới và nhân rộng mô hình thâm canh bằng biện pháp sử dụng phân viên nén N-K dúi sâu kết hợp cấy hàng rộng, hàng hẹp” trên địa bàn TP Thái Nguyên vụ Xuân năm 2019.
Mô hình được triển khai tại xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn và xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên) với tổng diện tích 10 ha. Đối với các giống lúa lai HYT122, HYT124, Kinh sở ưu 1588 được đối chứng với TH3-5; các giống lúa thuần Hà Phát 3, Đại Đồng, NA2, J99, DDT100 được đối chứng với Khang dân 18. Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật làm mạ khay, mạ dầy súc. Mật độ cấy đối với lúa lai là 32 – 38 khóm/m2 , số dảnh cấy 1 – 2 dảnh; lúa thuần cấy 38 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh. Đồng thời, mô hình áp dụng cấy hàng rộng, hàng hẹp; kết hợp sử dụng viên nén dúi sâu N-K.
Tại Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình vụ Xuân 2019 cho thấy, các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày, các giống lúa thuần tương đương với đối chứng, trong khi các giống lúa lai dài hơn đối chứng 5 – 10 ngày. Trong mô hình, cây lúa được cấy theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp; bón phân viên nén dúi sâu N – K đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, số dảnh hữ hiệu/bông đạt trên 70%; trong khi các giống lúa đối chứng cây lúa đẻ nhiều nhưng tỷ lệ dảnh vô hiệu cao.

Các đại biểu tham quan mô hình tại xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm.
Qua theo dõi, các giống lúa trong mô hình khả năng chống chịu sâu, bệnh hại khá tốt; khả năng chống đổ tốt; khả năng chịu nóng, chịu lạnh cũng khá tốt.
Do có số bông/khóm, số hạt chắc trên bông cao nên năng suất của ruộng mô hình cao; các giống lúa lai có năng suất 282 -299 kg/sào (79 – 84 tạ/ha), đối chứng chỉ hơn 269 kg/sào; các giống lúa thuần đạt 267 – 288 kg/sào (70 – 81 tạ/ha), trong khi lúa đối chứng chỉ đạt 204 kg/sào.
Các giống lúa trong mô hình đều có dạng hạt nhỏ, thuôn dài, hạt gạo trắng, trong; cơm ngon, dẻo, mùi thơm nhẹ; đặc điểm giống J99 thuộc dạng chất lượng cao giá bán trên thị trường từ 18 – 20 nghìn đồng/kg. Mỗi sào lúa lai người dân thu lãi từ 1,9 – 2 triệu đồng, hơn đối chứng 1 – 2 trăm nghìn đồng; các giống lúa thuần người dân thu lãi từ 2 – 2,3 triệu đồng, hơn đối chứng từ 4 – 7 trăm nghìn đồng.
Các giống lúa đưa vào mô hình đều cho năng suất, chất lượng cao, cơm dẻo, vị đậm. Đây là những giống thể hiện đầy đủ nhưnh tiềm năng về năng suất và chất lượng; phù hợp với điều kiện canh tác ở các địa phương thuộc thành phố Thái Nguyên và có thể đưa ra sản suất trên diện rộng ở những vụ tiếp theo.
Phương pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp kết hợp bón phân phân nén dúi sâu có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm giống (lượng giống giảm từ 15 – 30%), tiêt kiệm lượng phân bón (giảm phân bón từ 20 – 30%); đồng thời hạn chế sâu bệnh hại; cây lúa tận dụng được ánh sáng đều nhau nên sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, số dảnh hữu hiệu/khóm cao…
Mô hình thành công đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác lúa truyền thống của bà con nông dân; đã khắc phục được tình trạng bón phân không cân đối, không đủ lượng, đủ loại và thất thoát do bị rửa trôi kém hiệu quả. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra thẩm định để đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao và biện pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp kết hợp sử dụng phân viên nén dúi sâu vào cơ cấu lúa của tỉnh, biện pháp canh tác của tỉnh Thái Nguyên./.
Vũ Thị Thu Hương - TTKN
Số lượt đọc:
268
-
Cập nhật lần cuối:
28/05/2019 08:28:58 AM