Ngày 24/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.
Theo Chỉ thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở Đề án, nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai Chương trình IPM cho một số cây trồng chính.
Mặc dù chương trình IPM đã đạt được những kết quả khả quan, được nhiều địa phương đánh giá cao nhưng đến nay việc áp dụng chương trình IPM vào sản xuất vẫn còn những khó khăn như chưa phổ cập được trên diện rộng như mong đợi, nhiều giảng viên IPM không còn công tác trong ngành, một số địa phương chưa phê duyệt đề án, chương trình hoặc kế hoạch IPM.
Chè được xác định là cây chủ lực mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên (Ảnh minh hoạ)
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, AFTA cũng như nhiều hiệp định thương mại khác. Việc tham gia thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, nhưng cũng đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm. Từ các kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án IPM, trước những thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới và để Chương trình IPM trở thành một chương trình được thực hiện rộng khắp cả nước, đặc biệt là việc áp dụng IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu ở địa phương, đặc biệt là các xã nông thôn mới, các xã có mô hình sản xuất cánh đồng lớn, mô hình liên kết, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Bố trí và hướng dẫn sử dụng ngân sách địa phương, lồng ghép IPM vào các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn (Chương trình nông thôn mới, các chương trình dự án khuyến nông...), huy động nguồn vốn xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP) để tạo nguồn lực thức đẩy phát triển IPM trên diện rộng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu./.
Hoàng Trùng Dương – Chi cục Trồng trọt và BVTV (tổng hợp)
Số lượt đọc:
75
-
Cập nhật lần cuối:
01/12/2020 02:41:47 PM