Thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2017 – 2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chủ trì; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) và Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn xã Mỹ Bằng với quy mô 30 ha chè, 49 hộ nông dân tham gia.
Trên cơ sở các tổ đội sản xuất chè do Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm thành lập, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã thành lập 3 nhóm sản xuất chè an toàn theo chương trình dự án, tại thôn 12 – Tân Thanh, thôn 13 và Thôn Quyết Thắng. Các nhóm bầu ra ban đại diện nhóm, tổ dịch vụ phun thuốc, tổ bón phân, tổ thu hái chè; ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm từng thành viên… Ban đại diện đã ký kết hợp đồng mua, bán sản phẩm chè búp tươi của nhóm với Công ty CP chè Mỹ Lâm và chịu trách nhiệm trước công ty về chất lượng sản phẩm chè của nhóm mình. Người nông dân không phải đầu tư máy móc thiết bị như: Máy hái chè, máy làm cỏ, thiết bị sao chè…
Kiểm tra mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang).
Các hộ tham gia dự án thực hiện bón phân theo đúng quy trình hướng dẫn, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây qua các giai đoạn; ứng dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, ICM) trên cây chè; sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục đã được đăng ký sử dụng trên cây chè, theo nguyên tắc 4 dúng; ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học…
Sau 3 năm thực hiện, các hộ tham gia dự án đã giảm 6 lần sử dụng thuốc BVTV trong năm, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình chăm sóc. Năng suất chè mô hình đạt 21 tấn/ha/năm (thu hoạch bằng máy hái chè), cao hơn 4 tấn/ha so với ngoài mô hình; Công ty thu mua với giá ổn định 5.000 đồng/kg chè tươi, cao hơn 300 đồng so với giá bán ngoài thị trường; mỗi năm người nông dân thu lãi trên 68 triệu đồng/ha, hơn 27 triệu đồng so với ngoài mô hình.
Thăm nhà máy chế biến chè tại Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm
Theo đánh giá của Công ty CP chè Mỹ Lâm, sản phẩm chè của mô hình sản xuất đã tăng chất lượng thành phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU. Mô hình liên kết đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư do không phải mua đất, thuê đất, không phải đầu tư trồng mới… Hơn nữa, mô hình đã xây dựng được tính đoàn kết cộng đồng và tác phong sản xuất công nghiệp, chuyên nghiệp, quy mô sản xuất hàng hóa tập trung cho người nông dân.
Mô hình liên kết sản xuất chè an toàn đã tăng thu nhập bền vững cho người nông dân; đồng thời, giảm công lao động, đảm bảo sức khỏe người làm chè cũng như đảm bảo hệ môi trường sinh thái. Mô hình là điểm tham quan, học tập cho các hộ sản xuất chè trong vùng, cũng như các hộ sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang./.
Dương Trung Kiên - TTKN
Số lượt đọc:
293
-
Cập nhật lần cuối:
22/10/2019 05:01:06 PM